Do chất lượng mạng 5G ban đầu chưa ổn định, người dùng có thể gặp phiền toái khi kết nối với mạng 5G
Sóng chập chờn, tốc độ trồi sụt
Sau 1 tháng triển khai, số lượng người dùng 5G của nhà mạng Viettel tại Việt Nam là hơn 3 triệu người dùng. Các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone cũng “rục rịch” cung cấp các gói cước, khuyến mãi “mạnh tay” cho người dùng đăng ký sử dụng 5G.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dùng phàn nàn về chất lượng cũng như bị phiền toái. Anh Đoàn Hoàng Sơn (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết: “Từ khi sử dụng 5G, tôi thấy tốc độ nhanh hơn 4G, 3G gấp nhiều lần. Thế nhưng, tôi lại gặp phải tình trạng mất sóng 5G thường xuyên khi di chuyển giữa các quận, thậm chí bị mất sóng hoàn toàn, không thể gọi điện, nhắn tin hay truy cập internet. Tưởng điện thoại hay sim có vấn đề nên đi sửa thì nhân viên kỹ thuật nói do điện thoại tự động bắt sóng 3G, 4G, 5G qua lại liên tục nên mạng chập chờn”.
Chị Võ Thanh Phương, nhân viên văn phòng ở một quận trung tâm TP HCM, cho hay: “Dùng 5G thời gian đầu, tôi thấy tốc độ truy cập internet hơn 4G rất nhiều nhưng 2 tuần sau đó tốc độ không hơn 4G, thậm chí có lúc mất sóng, chậm hơn 4G”.
Anh N.H.T, đại diện một nhà bán lẻ điện máy tại TP HCM, cho biết: “Từ khi sử dụng 5G, ngoài tình trạng nóng máy, dữ liệu tiêu tốn rất nhanh thì mất sóng 5G xảy ra thường xuyên, nhất là khi di chuyển giữa các quận hay đi các tỉnh. Do các trạm phát sóng 5G còn quá ít nên khi di chuyển sẽ có tình trạng điện thoại hoạt động nhiều hơn để bắt sóng 5G, 4G, 3G khiến tình trạng mất sóng diễn ra”.
Nhiều chuyên gia viễn thông cho hay hiện rất thiếu các ứng dụng và dịch vụ đột phá thực sự tận dụng được tiềm năng của mạng 5G. Dù mạng 5G mở ra cơ hội phát triển cho các lĩnh vực như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật, người dùng hiện chưa thấy có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu, khiến không chỉ người dùng mà cả các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa mặn mà với 5G trong khi đây là dịch vụ quan trọng mang lại doanh thu cho các nhà mạng.
Lý giải nguyên nhân này trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Viettel cho biết có nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra tốc độ mạng 5G. Hiện tại, số lượng trạm phát sóng 5G vẫn còn hạn chế so với trạm phát 4G.
Ở khung giờ thấp tải, tốc độ 5G có thể đạt mức trên 500Mbps; nhưng khi có quá nhiều người dùng thử nghiệm trong cùng một thời điểm, tốc độ kiểm tra có thể sẽ chỉ còn 20-30Mbps. Viettel cũng cho biết đã gặp một số khó khăn khi triển khai 5G ở Việt Nam, đó là chi phí đầu tư rất lớn, gấp 4 – 5 lần so với 4G.
Cần thêm thời gian phát triển hạ tầng
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước, mạng 5G gồm nhiều băng tần (như 1, 2, 3, 5, 7, 8, 12, 20, 25, 26, 28, 38, 40, 41, 66, 77, 78 SA/NSA/Sub6) nên không phải bất cứ thiết bị nào hỗ trợ 5G cũng dùng được sóng 5G mà cần đúng băng tần. Có những trường hợp do máy 5G đời cũ hay hàng xách tay từ thị trường khác không hỗ trợ những chuẩn 5G tương thích với mạng 5G ở Việt Nam, nên sẽ không hoạt động được.
Chẳng hạn, iPhone 16 Pro Max năm 2024 hỗ trợ nhiều băng tần 5G hơn iPhone 12 Pro Max ra đời năm 2020. Nếu không muốn thử nghiệm 5G mà cần kết nối mạng ổn định, người dùng thiết bị nên tắt tùy chọn tự động kết nối mạng có liên quan 5G trong phần thiết đặt mạng di động của thiết bị.
Cụ thể, thiết bị có những tùy chọn như “5G/LTE/3G/2G hay “LTE/3G/2G… Nếu chọn mục đầu tiên, thiết bị sẽ tự động chuyển sang kết nối mạng 5G khi vào vùng có sóng 5G. Cần lưu ý mạng 5G cung cấp tốc độ nhanh hơn và truyền tải lưu lượng dữ liệu gấp cả chục lần mạng 4G, nên cũng sẽ tiêu thụ pin nhiều hơn so với mạng 4G.
Trong giai đoạn ban đầu này, các nhà mạng cũng chỉ mới có thể phủ sóng 5G ở những khu vực trọng điểm, tạo một hệ thống mạng 5G “da beo”. Chất lượng hạ tầng cũng chưa hoàn chỉnh với thông số cần phải tinh chỉnh dần qua quá trình vận hành. Về lý thuyết, chất lượng hoạt động của mạng di động bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chính, như: khoảng cách đến trạm phát sóng, vật cản, số lượng thiết bị cùng lúc kết nối vào một trạm.
Do sóng 5G có khả năng xuyên thấu vật cản (tường, tòa nhà…) kém hơn, cũng như phạm vi phủ sóng hẹp hơn so với 4G nên mạng 5G cần nhiều trạm thu phát sóng hơn. Đó là lý do nhà mạng đầu tư cho 5G sẽ tốn kém hơn và cần thêm thời gian để phát triển hạ tầng.
Mạng di động chỉ có thể hoạt động tối ưu khi có được một cấu trúc tổ ong, trạm này tiếp nối trạm khác, tạo sự phủ sóng rộng đều và ổn định. Trong khi đó, thực tế hiện nay, vào thời điểm 10 ngày sau khi Viettel bắt đầu cung cấp dịch vụ, theo lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu (Tổng Công ty Mạng lưới Viettel), số trạm BTS 5G mới có khoảng 6.500 trạm, rất nhỏ so với số lượng trạm BTS 4G (42.000 trạm BTS vào năm 2021) nên mạng 5G chưa thể hoạt động tốt.
Dù sao, mạng 5G ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu nên không tránh khỏi những bất cập, khiến người dùng chưa hài lòng.